Tuesday, June 26, 2018

MỘT DƯỢC hay MỘC DƯỢC

Tuần qua, tôi có email cho một số bạn hữu và một số vị thích tìm tòi, nghiên cứu chữ nghĩa một chữ trong Kinh Thánh:

Thưa các bạn, “Một-dược được thấy 17 lần trong bản Kinh Thánh Truyền Thống (là bản do cụ Phan Khôi cùng các vị thâm nho khác dịch và xuất bản năm 1925)

Sa 37:25   25 Đoạn, họ ngồi lại ăn. Nhướng mắt lên chợt thấy một đoàn dân Ích-ma-ên ở phía Ga-la-át đi đến, trên lưng lạc đà họ chở đầy thuốc thơm, nhũ hương và một dược đương đem đi đến xứ Ê-díp-tô.

Sa 43:11   11 Đoạn, Y-sơ-ra-ên, cha các anh em, nói rằng: Nếu việc đã thể kia, thì bay phải làm thể nầy: Hãy lấy trong đồ hành lý những thổ sản quí nhứt của xứ ta: Một ít nhũ hương và mật ong, các hương hoa và một dược, phi tử và hạnh nhân, đem dâng cho người đó làm của lễ.



Xu 30:23   23 Hãy góp các hương liệu tốt nhứt: một dược nước năm trăm siếc-lơ; hương nhục quế phân nửa số đó, tức là hai trăm rưỡi; hương xương bồ hai trăm rưỡi;

Et 2:12   12 Mỗi con gái trẻ chiếu theo lệ định mà dọn mình cho tinh sạch trong mười hai tháng: sáu tháng dùng dầu một dược, sáu tháng dùng thuốc thơm, cùng những hương phẩm cần dùng về sự tẩy uế. Sau kỳ ấy đã mãn rồi, mỗi con gái trẻ theo phiên thứ mà đến cùng vua A-suê-ru.

Thi 45:8   8 Các áo xống Ngài bay mùi thơm một dược, trầm hương, và nhục quế;
Từ trong đền ngà có tiếng nhạc khí bằng dây làm vui vẻ Ngài.

Ch 7:17   17 Lấy một dược, lư hội, và quế bì,
Mà xông thơm chỗ nằm tôi.

Nha 1:13   13 Lương nhân tôi giống như bó hoa một dược cho tôi.
Nằm ở giữa nương long tôi.

Nha 3:6   6 Người kia là ai, ở từ đồng vắng đi lên,
Giống như trụ khói, xông một dược và nhũ hương,
Với đủ thứ hương của con buôn?

Nha 4:6   6 Ta sẽ đi lên núi một dược,
Đến đồi nhũ hương,
Ở cho đến khi hừng đông lố ra,
Và bóng tối tan đi.

Nha 4:14   14 Cam tòng và hồng hoa, xương bồ và nhục quế,
Cùng mọi thức cây có mùi thơm,
Một dược, lư hội với các hương liệu có danh.

Nha 5:1   1 Hỡi em gái ta, tân phụ ta ơi, ta đã vào trong vườn ta rồi!
Ta có hái một dược và hương liệu ta,
Ăn tàng mật ong với mật ong ta,
Uống rượu với sữa ta.
Hỡi các bạn, hãy ăn; hỡi các ái hữu, khá uống cho nhiều!

Nha 5:5   5 Tôi bèn chỗi dậy đặng mở cửa cho lương nhân tôi;
Tay tôi nhỏ giọt một dược,
Và ngón tay tôi chảy một dược ròng trên nạm chốt cửa.

Nha 5:13   13 Gò má người như vuông đất hương hoa,
Tợ khóm cỏ thơm ngát;
Môi người tỉ như hoa huệ ướm chảy một dược ròng.

Mat 2:11   11 Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược.

Mac 15:23   23 Họ cho Ngài uống rượu hòa với một dược; song Ngài không uống.

Gi 19:39   39 Ni-cô-đem, là người khi trước đã tới cùng Đức Chúa Jêsus trong ban đêm, bấy giờ cũng đến, đem theo độ một trăm cân một dược hòa với lư hội.

Có một bạn đọc của Nếp Sống Mới gọi tới tòa soạn nêu thắc mắc là nhiều bản dịch về sau đổi “một-dược” thành “mộc-dược”, vậy từ ngữ nào đúng hơn?

Xin các bạn cho ý kiến.

Chúng tôi nhận được lời góp ý của MS VVH, MS NTP, ông LAH, MS ĐD, BS NTC, ông NTN, MS LCT, BS CTP, MS LCT, Cô LTVP, BS TVH, MS LVT, BS NĐT…

Đa số các vị chọn Một Dược, một số khác chọn Mộc Dược vì mộc là cây cỏ và vị thuốc này chắc phải xuất xứ từ thảo mộc.  Có vị nhất định Mộc Dược là đúng vì qua bản Hiệu Đính Truyền Thống, do nhiều vị thức giả bắt đầu từ năm 2004 kiểm tra và hiệu đính lại bản Truyền Thống 1925 và đã đổi những chữ Một Dược thành Mộc Dược và do nhà Xuất Bản Tôn Giáo in tại VN năm 2010.  Nếu chữ đang đúng mà chữa thành sai, thì không lẽ các vị “chữa trâu lành thành trâu què” ?

Tôi gọi 3 người bạn vong niên qua đường dây viễn liên để hỏi ý kiến thì cả ba đều nói Một Dược là đúng, nhưng ba bạn hẹn vài ngày để “thâm cứu”.  Ba người bạn này không muốn nêu tên mình ra, chỉ thích gọi theo thứ Ba, Năm, Bảy.

Sau 4 ngày, 3 bạn cho biết những ý như sau:

1.     Anh Năm cho biết nguồn gốc việc dịch thuật quyển KT Truyền Thống như sau:

Theo các tài liệu trong Hội Thánh và ký ức của những đầy tớ Chúa, những thành viên chính thức làm việc trong Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh gồm có những vị sau:

·         Giáo sĩ William C. Cadman: tốt nghiệp Toronto Theological College (Canada) và được huấn luyện tại trường Đào Tạo Giáo Sĩ tại Nyack (New York).  Ngôn ngữ Anh, Pháp, Hán, Greek, Hebrew và Quốc Ngữ.  Chức vụ: Trưởng Ban Phiên Dịch Kinh Thánh.

·         Bà Giáo sĩ William (Grace) C. Cadman: Master về văn chương Hy Lạp (Greek). Ngôn ngữ: Anh, Pháp, La-tinh, Greek, Hebrew, Hòa Lan, và Quốc Ngữ.

·         Giáo sĩ John Drange Olsen: tốt nghiệp trường Đào Tạo các Giáo sĩ tại Nyack (New York). Ngôn ngữ: Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Hán và Quốc Ngữ.

·         Ông Trần Văn Dõng (Sài Gòn): tốt nghiệp Cao Đẳng Đông Dương tại Hà Nội. Ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp và Quốc Ngữ.

·         Ông Nguyễn Hữu Phúc (Hà Nội): tú tài. Ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp và Quốc Ngữ.

·         Phan Khôi (Quảng Nam): tú tài. Ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp và Quốc Ngữ.

Nhìn vào thành phần trên, chúng ta thấy có đại diện cả ba miền Bắc, Trung, Nam và có thành phần tân học lẫn cựu học.  Trong những người đó, Phan Khôi giỏi chữ Quốc Ngữ nhất nên được giao cho trách nhiệm phiên dịch chính.  Ông có ưu điểm hơn những thành viên khác trong Ủy Ban Phiên Dịch là đã có kinh nghiệm làm báo một thời gian chung với những học giả uy tín nhất vào thời đó.

Với khả năng thông thạo Hán văn, Quốc văn và Pháp văn, Phan Khôi có thể dịch nghĩa và làm cho câu văn phong phú, nhưng về quan điểm thần học, nghệ thuật tu từ, và văn phạm trong Thánh Kinh Hy Lạp, Hi-bá-lai và bản Pháp văn, Phan Khôi phải nhờ vào sự hổ trợ của các dịch giả khác.  Nhìn vào tác phẩm mà các thành viên trong ủy ban đã để lại cho hậu thế, chúng ta có thể đoán Giáo sĩ John Drange Olsen chịu trách nhiệm về quan điểm thần học, Giáo sĩ William C. Cadman phụ trách về nghệ thuật tu từ và bà William C. Cadman chịu trách nhiệm về mặt ngữ pháp.

Với sự trợ giúp của các giáo sĩ, dù Phan Khôi chỉ dịch từ bản Văn Lý (Hán văn) và bản Louis Second (Pháp văn) nhưng bản dịch Kinh Thánh Việt văn (1925) đã tương đối trung thực theo bản gốc.  Các nhà phiên dịch đã dành rất nhiều thì giờ đọc, hiệu đính, sửa đi sửa lại bản văn, hạn chế những sai sót đến mức tối đa.  Sau mười năm làm việc, bản dịch được thực hiện xong.  Trong hoàn cảnh khi ấy không có computer lại thiếu cả mấy đánh chữ, thì đây là một thời gian kỷ lục.

Theo các tài liệu của Hội Thánh Việt Nam thì bản dịch được đem in tại Trung Hoa và phát hành ngay năm 1925.  Một tài liệu khác của Thánh Kinh Hội cho biết bản Kinh Thánh đầu tiên được phát hành vào năm 1926.  Một thời gian sau, bản dịch Kinh Thánh này đã được Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chính thức công nhận và vẫn còn được lưu dụng cho tới ngày hôm nay.

2.     Một vị thuốc mà chữ Anh là MYRRH, Pháp là LA MYRRHE, Hoa là 沒 藥 (phồn thể), hoặc 没 药 (giản thể) phải được dịch sang tiếng Việt là Một Dược, nếu không muốn dịch là “nhựa thơm” như MS Lê Hoàng Phu (bản Diễn Ý).

3.     Các bản dịch của Tin Lành về sau thì  trừ 2 bản dịch giữ lại chữ Một Dược là bản của GS Phạm Quang Tâm  (Bản Phổ Thông) và bản của MS Lý Công Thuận (Thánh Kinh Tiêu Chuẩn), còn hầu như các bản khác đúng như một bạn nhận xét là “chữa trâu lành thành trâu què”.

4.     Anh Bảy cho biết:  Một Dược là  một chất nhựa (resin) chảy ra từ cuống và nhánh của một giống cây bụi thấp, thuộc nhóm cây Commiphora myrrha. Nhóm cây này có nguồn gốc từ sa mạc Trung Đông và Phi Châu, thường khá  cằn cỗi có vỏ màu xám lợt.  Chất nhựa cây tiết ra từng giọt giống như nước mắt (myrrh tear drop resins), khi khô thì có màu nâu hay vàng đỏ, có một mùi thơm dễ ngửi song có vị đắng.

5.     Một Dược được dùng trong toa thuốc giảm đau, nhất là chứng đau khi hành kinh ở phụ nữ.

6.     Một Dược do tánh chống thối rữa, được dùng khi ướp xác ở Ai Cập.

7.     Anh Ba cho biết qua webpage (rất sâu sắc, rất bổ ích về từ ngữ một-dược) http://tutevungtau.blogspot.com/2015/04/mot-duoc-hay-moc-duoc.html, Ông Bùi Ngọc Hiền cho biết Linh mục Nguyễn Thế Thuấn cũng phiền lòng khi những chữ “một dược” trong “bản KT Tân Ước” đã bị nhà in tự ý sửa thành “mộc dược”.

8.     Trong Cựu Ước, sách Ê-xơ-tê cho biết cung nữ phải tẩy uế 12 tháng, 6 tháng đầu dùng một-dược), sau đó mới gặp được vua.  (Chương 2:12  Mỗi con gái trẻ chiếu theo lệ định mà dọn mình cho tinh sạch trong mười hai tháng: sáu tháng dùng dầu một dược, sáu tháng dùng thuốc thơm, cùng những hương phẩm cần dùng về sự tẩy uế. Sau kỳ ấy đã mãn rồi, mỗi con gái trẻ theo phiên thứ mà đến cùng vua A-suê-ru.)

9.     Theo https://www.yhoccanban.com/2012/09/nhu-huong-cung-mot-duoc.html, thì nhũ-hương có tác dụng điều khí và một-dược có tác dụng hoạt huyết. Theo Đông y, Khí và huyết là 2 tác dụng quan trọng trong cơ thể con người.

10.   Không tìm thấy từ ngữ Mộc Dược (沐 藥 ), nhiều người cho nghĩa là tắm bằng nước thuốc hay vị thuốc pha trong nước tắm,  trong tự điển Hoa văn.  Trong khi đó, có chữ  Mộc-Dục (沐浴) là nghi lễ gội đầu & rửa mình trước hôn lễ và tang lễ.

Tóm lại, chúng ta nên dùng chữ nghĩa đúng là:  Một Dược.

Xin tham khảo thêm qua bài viết: Một Dược - Mộc Dược
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/178MotDuoc.htm

No comments:

Post a Comment